CB,CC,VC, người lao động Thủ đô thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng: Giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp
VHO- “Chào bác, cháu có thể giúp bác được gì?” thay vì hỏi “Bác đến đây để làm gì?” là sự chuyển biến rõ rệt về ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC)bộ phận một cửa, phòng tiếp công dân tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội.
Cán bộ, viên chức bộ phận một cửa phải nêu gương trong văn hóa ứng xử nơi công cộng Ảnh: Q.TẤN
Mới đây, Sở VHTT Hà Nội tổ chức Tọa đàm Kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” với sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn TP.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến phấn đấu xây dựng TP HàNội tiêu biểu vềlối sống vàphong cách ứng xử văn hóa, văn minh. Do đó, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; đặc biệt nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ứng xửvới người dân không chỉ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà cả ở nơi cư trú.
“Sau khi Bộ Quy tắc ứng xửcủa CB,CC,VC, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội được UBND TP ban hành năm 2017, đến năm 2019, TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT ngày 19.6.2019 về tổ chức thực hiện Phong trào Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng. Quá trình hơn 6 năm thực hiện các Quy tắc ứng xửvà 4 năm thực hiện Phong trào đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đội ngũ CB,CC,VC, người lao động Thủ đô kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện; định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân trong gia đình và xã hội; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Phó Giám đốc Sở VHTT nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm của Hội LHPN TP, bà Hoàng Thu Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội cho biết, thời gian qua, Hội đã đổi mới nhiều hình thức tuyên truyền để hướng chị em phụ nữ dù xuất hiện ở bất cứ đâu, từ làng xóm, chợ hay nơi công cộng đều có cửchỉ, hành động, lời nói đẹp. Qua đó, xây dựng mô hình tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu, chợ văn minh, khu di tích an toàn kiểu mẫu… và tạo phong trào thi đua ở nhiều địa bàn.
Là ngành tiếp xúc nhiều với người dân, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc thực hiện quy tắc ứng xửcủa cán bộ, nhân viên y tế với người dân là rất quan trọng. Vì trong công tác phòng, chống dịch bệnh phải huy động toàn bộ sức người sức dân, công tác khám chữa bệnh cũng có nhiều đặc thù vì thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh và người nhà nên có nhiều quy trình khác nhau. Theo ông Cương, ngành Y tế thường xuyên chỉ đạo, quán triệt và tập huấn cho nhân viên thực hiện các hành vi, văn hóa ứng xửnơi công cộng. Cùng với đó, nhân viên y tế lại tuyên truyền với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để xây dựng môi trường văn hóa tại các khu vực khám chữa bệnh. Lấy mức độ hài lòng của người bệnh là một trong những tiêu chí phát triển bệnh viện.
“Trước đây là đánh giá chiều xuôi sự hài lòng, hiện nay chúng tôi chuyển hướng đánh giá sự không hài lòng và chia ra nhiều mục như không hài lòng về tiếp đón, khám chữa bệnh, hay cơ sở hạ tầng, nhà vệ sinh không có giấy, bẩn… Sau khi tiếp nhận ý kiến góp ý, sẽ giao cho các đơn vị kịp thời chấn chỉnh”, ông Vũ Cao Cương nói.
Cũng là ngành tiếp cận với người dân từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời, ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc BHXH HN cho biết, toàn ngành có hơn 1.300 CC, VC, phục vụ 8 triệu người có thẻ BHYT, 2 triệu người có BHXH bắt buộc, 100.000 người BHTN và các cụ về hưu… Do đó, ngành đã chỉ đạo nhân viên phục vụ người dân trên tinh thần kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả. Khi người dân đến làm việc ở bộ phận một cửa thì phải tạo cảm giác dễ chịu, môi trường văn hóa xanh - sạch - đẹp; có hệ thống bấm số tự động để xếp hàng, ghế ngồi chờ sạch sẽ, gọn gàng. “Ngành BHXH mời chuyên gia tập huấn kỹ năng giao tiếp cho 100% cán bộ, nhân viên. Chỉ một câu đơn giản như khi người dân đến làm việc, nhân viên hỏi: “Em/cháu có thể giúp được việc gì?”, thay vì “Bác đến để làm gì?” cũng tạo sự thoải mái cho họ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát được làm thường xuyên, có phê bình, khen thưởng với những cá nhân tổ chức làm chưa đúng hoặc làm tốt”, ông Vũ Đức Thuận thông tin.
Bà Trần Thị Vân Anh cho rằng, Tọa đàm không chỉ đặt ra những vấn đề trong công tác xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh, mà còn là dịp để trao truyền, chia sẻ kinh nghiệm, nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng. Cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu trong ứng xửvới người dân, ứng xửtại nơi công cộng.
THẢO LAM